image banner
  
Di tích lịch sử Văn hóa Phủ Hòa Quân , xã Thanh Hương đã được xếp hạng cấp tỉnh
Lượt xem: 205

Phủ Hòa Quân, xã Thanh Hương


Phủ Hòa Quân thuộc xóm 4, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Di tích Phủ Hòa Quân cách thành phố Vinh khoảng 54 km về phía Tây. Cách trung tâm huyện lỵ Thanh Chương 08 km về phía Tây Bắc. Phủ Hòa Quân được xây dựng trên một vùng đất thuộc trung tâm của vùng Hòa Quân xưa. Phủ ngoảnh mặt về hướng Nam, ở thế “Tọa sơn vọng thủy” sau lưng tựa núi Phủ. Phía trước là dòng sông Trai vừa tạo nên nét đẹp phong thủy vừa đem lại sự thoáng mát cho không gian của di tích, xung quanh có nhiều di tích như: Đền Hàm Rồng; Nhà thờ họ Lê Ngọc; Chùa Phúc Viên, xã Thanh Lĩnh,…

  

Phủ Hòa Quân được xây dựng trên một vùng đất có bề dày truyền thống truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Thế kỷ XVIII, Hòa Quân xưa (nay là xã Thanh Hương) là một trong những địa bàn chiến lược được Lê Duy Mật chọn làm căn cứ đóng quân, đêm ngày luyện tập để chống lại chúa Trịnh, hướng tới mục tiêu khôi phục triều Lê. Thế kỷ sau đó, khi phong trào Cần Vương phát triển rộng khắp, vị chủ tướng Phan Đình Phùng đã cho người về đây tuyển quân đánh Pháp. Hàng chục, hàng trăm người con Thanh Hương đã gia nhập nghĩa quân. Là địa phương được Liên khu 4 chọn đặt xưởng sản xuất quân giới, nơi tổ chức các hội nghị quan trọng như: Hội nghị đại biểu Đảng bộ huyện Thanh Chương vào tháng 9 năm 1949 và Đại hội Đại biểu Đảng bộ Liên khu 4 diễn ra từ ngày 14 đến 21 tháng 5 năm 1951. Đại hội đã triệu tập 170 đại biểu từ vùng khói lửa Bình - Trị - Thiên, Nghệ An – Hà Tĩnh đến Thanh Hóa có sự tham dự của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là đồng chí Hoàng Anh và đồng chí Hồ Viết Thắng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hương là nơi sơ tán của nhiều cơ quan Nhà nước, đơn vị kinh tế, trường học, nơi chở che các đơn vị quân đội về an dưỡng và là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho các đơn vị quân đội, thanh niên xung phong làm đường chiến lược Hồ Chí Minh…

Phủ Hòa Quân được xây dựng vào khoảng đầu thời Nguyễn[1], gồm 03 tòa: Bái đường và Hậu cung.

Bái đường có diện tích 52,8m2 (9,35 x 5,65), gồm 3 gian, 02 hồi; bốn vì bằng gỗ lim. Mái lợp ngói vảy.

Hậu cung  

Phủ Hòa Quân thờ Tam tòa Thánh Mẫu, gồm 03 vị thánh: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, một hình thức tín ngưỡng thờ nữ thần phổ biến ở Nghệ An nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Phủ Hòa Quân là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của địa phương, đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp. Theo sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930-1945)”“Thanh Chương xưa và nay”, “Bản sơ lược Lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hương”, “Lý lịch di tích Phủ Hòa Quân” và lời kể của các cụ cao niên ở địa phương cho biết:

Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam (03/02/1930) được thành lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ, Hội nghị đại biểu các chi bộ cộng sản Thanh Chương được tổ chức tại Đền Tiến Sơn, xã Thanh Long vào ngày 20/3/1930. Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương gồm các Ủy viên: Đồng chí Tôn Gia Tĩnh (Bí thư), Hoàng Thuyết, Tôn Thị Quế,... Hội nghị đã ra quyết nghị chuyển các chi bộ Đông Dương cộng sản trong toàn huyện thành các Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi được thành lập, Huyện ủy lâm thời đã coi công tác xây dựng và phát triển tổ chức cơ sở Đảng là nhiệm vụ hàng đầu.

Tại xã Hòa Quân, Huyện ủy đã giao nhiệm vụ cho thầy giáo Nguyễn Hữu Viện[2] lúc đó đang dạy học tại xã Hòa Quân để rải truyền đơn, chắp nối liên lạc với những quần chúng ưu tú như Nguyễn Tư Vạn, Nguyễn Tư Kiên, Đậu Đình Lĩnh,…

Đầu tháng 8 năm 1930, tại Nhà thờ họ Nguyễn Tư, Chi bộ Đảng Hòa Quân được thành lập, lấy bí danh HQ. Chi bộ gồm có 8 đảng viên: Ông Nguyễn Tư Vạn được bầu làm Bí thư, ông Nguyễn Tư Kiên được bầu Phó Bí thư. Chi bộ Đảng Hòa Quân là một trong những Chi bộ ra đời sớm nhất huyện Thanh Chương. Sau khi được thành lập, Chi bộ Hòa Quân đã lãnh đạo Nhân dân xã Hòa Quân tham gia nhiều cuộc đấu tranh, biểu tình, tiêu biểu như cuộc biểu tình cướp Huyện đường vào ngày 01/9/1930. Chi bộ Hòa Quân được Huyện bộ Thanh Chương giao nhiệm vụ tổ chức thuyền bè, phương tiện để các làng, xã vượt sông Trai, Khe Mọ. Đồng thời huy động Nhân dân tham gia biểu tình. Từ đêm 31 tháng 8 năm 1930, trống Hòa Quân đã được đưa lên trên đỉnh núi Sừng Bò để chờ phát lệnh. Đến 01 giờ sáng ngày 01 tháng 9 năm 1930, đúng theo kế hoạch từ trước,khi tiếng trống lệnh tiếp nối nhau vang lên trên các đỉnh núi cao của tổng Xuân Lâm, trên núi Tiến xã Võ Liệt, rú Nguộc xã Ngọc Sơn thì tại xã Hoà Quân, tiếng trống gióng lên cùng tiếng chiêng, mõ tre và tiếng hò reo của Nhân dân vang lên trên đỉnh Sừng Bò. Đoàn biểu tình của tổng Cát Ngạn vượt sông Giăng, sông Trai  rồi xuống Thanh Nha nhập với đoàn Võ Liệt thượng tiến về Huyện đường thôi thúc Nhân dân tham gia biểu tình. Cuộc biểu tình lịch sử ngày 01/9/1930 của hơn 02 vạn nông dân Thanh Chương đã kết thúc thắng lợi. Chính quyền địch tan rã.  Cuộc biểu tình được coi là mốc mở đầu đánh dấu sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ Tĩnh - đỉnh cao của Cao trào cách mạng 1930 – 1931 trong toàn quốc.

Vào thời kỳ thoái trào của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, phong trào cách mạng bị đàn áp, các cơ sở cách mạng bị địch phá vỡ, các đồng chí Đảng viên bị truy lùng gắt gao. Do nằm ở vị trí kín đáo, cây cối um tùm nên Phủ Hòa Quân là một trong những địa điểm bí mật để các đồng chí đảng viên ẩn náu chờ thời cơ xây dựng lại phong trào cách mạng. Trong thời kỳ 1930- 1931, Xô viết Hòa Quân và Xô viết Ngọc Lâm là hai Xô viết đã chiến đấu ngoan cường với giặc Pháp đến cuối cùng của Xô viết huyện Thanh Chương[3].

Phủ Hòa Quân Là địa điểm gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương, đặc biệt trong thời kỳ 1930 – 1931. Phủ là nơi thờ những nhân vật có công với dân, với nước được Nhân dân ngưỡng vọng, là địa chỉ văn hóa tâm linh của Nhân dân trong vùng và khách thập phương thể hiện tấm lòng, tôn vinh, tri ân đối với các vị thần có công với dân, với nước, đồng thời cầu xin thần phù hộ che chở cho Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Ngày 28/12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 6380/QĐ.UBND xếp hạng Phủ Hoà Quân là Di tích lịch sử cấp Tỉnh. Đây là việc làm hết sức cần thiết, không chỉ nhằm tôn vinh vị thần được thờ tại đây mà còn góp phần lưu giữ, bảo vệ, phát huy những giá trị vật thể, phi vật thể mà cha ông ta xưa để lại.

Phủ Hòa Quân đã có lịch sử lâu đời, trải qua thời gian tồn tại vẫn được  chính quyền địa phương và Nhân dân bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của di tích.



[1] Theo Lý lịch di tích Phủ Hòa Quân được lưu giữ tại Ban quản lý Di tích Nghệ An.

[2] Đồng chí Nguyễn Hữu Viện được kết nạp Đảng vào ngày 06/5/1930. Nguyên UVBCH Đảng bộ, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Thanh Chương. Là cán bộ lão thành cách mạng. Bị địch bắt vào tháng 2/1932, bị kết án khổ sai chung thân đày đi Nhà tù Lao Bảo và Nhà tù Buôn Ma Thuột. Sau khi ra tù trở về địa phương tiếp tục tham gia cướp chính quyền địch.

 

BẢN ĐỒ XÃ NGHĨA PHÚC - HUYỆN TÂN KỲ
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH HƯƠNG
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn Tiến - Chủ tịch UBND Xã

 Trụ sở: Xóm 2 - Xã Thanh Hương - Huyện Thanh Chương - Tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 0971.749.738 - Email: ubndthanhhuongna@gmail.com